Di sản William_Charles_Cadman

Sau khi đặt chân đến Việt Nam, Cadman hội nhập tốt với nếp sống của người Việt, và có tình cảm gắn bó với các mục sư và tín hữu ở đây. Với nếp sống đạm bạc, Cadman và vợ dong ruỗi đến những thôn làng hẻo lánh ở miền Bắc, vào Hội An, Huế, ra Hà Nội để rao truyền thông điệp phúc âm. Ông luôn tìm cách bảo vệ các mục sư người Việt khi cùng họ tiếp xúc với chính quyền Pháp.[8]

Tôi là người Việt Nam, nước Việt Nam là tổ quốc thứ hai của tôi....

William C. Cadman, theo hồi ký của Mục sư Bùi Hoành Thử.[1]

Bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926 – Cadman và vợ là nhân tố đóng góp quan trọng trong công trình dịch thuật này – thủ giữ vị trí then chốt trong tiến trình phát triển cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam. Cho đến ngày nay, bản Kinh Thánh này vẫn là ấn bản được yêu thích nhất; đối với nhiều người, không có bản dịch nào khác có thể thay thế được.[9]

Ngoài ra, cơ sở ấn loát do Cadman và vợ thành lập đặc biệt hữu ích trong nỗ lực phổ biến các tác phẩm Cơ Đốc cho mục tiêu truyền bá phúc âm, tu dưỡng tâm linh, và nâng cao kiến thức tôn giáo cho hội thánh Tin Lành còn non trẻ ở Việt Nam.[10]

Cadman còn viết di chúc hiến tặng toàn bộ tài sản để xây dựng Cô nhi viện Tin Lành trên khu đất rộng 18 mẫu Anh ở Hòn Chồng, Nha Trang.[11] Với sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ Nhi đồng Quốc tế, cơ sở này khánh thành ngày 4 tháng 9 năm 1953.[2]